Tà áo chữa lành, bàn tay cải tử
Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh vẫn còn tiếp tục ở Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm B hôm nay (Marco 5:21-43 hay 5:21-24,35a-43) cho thấy, qua phép lạ Chúa Giêsu hồi sinh người con gái đã chết của ông Giairô nhờ lòng tin tưởng của ông.
Thật vậy, thái độ "sụp lạy và van xin" của một trưởng hội đường như ông, được Thánh ký Marco diễn tả trong bài Phúc Âm hôm nay đã chứng tỏ đức tin của ông: "Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: 'Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống'".
Chính Chúa Giêsu "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) cũng muốn lợi dụng trường hợp người con gái của ông để tỏ mình ra. Bởi thế, cho dù đứa con gái của ông đã "chết rồi", như người nhà của ông báo cho ông biết và can ông rằng: "còn phiền Thầy làm chi nữa?"nhưng chính Chúa Giêsu bấy giờ lại đích thân trấn an ông và củng cố đức tin cho ông: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin".
Tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra ân cần với người cha trưởng hội đường này một cách đặc biệt như vậy? Phải chăng vì ông có đức tin? Bằng không, ông không thể nào bỏ đứa con gái đang hấp hối gần chết và chết bất cứ lúc nào của mình ở nhà để đích thân tìm đến với Người, nhỡ ở nhà con gái của ông chết thì sao, và như thế thì ông không được nhìn nó lần cuối. Để đề phòng ông có thể sai gia nhân hay thân nhân đi đến với Chúa Giêsu thay cho ông cũng được vậy, nhưng ông lại không làm thế, chứng tỏ ông hết lòng tin tưởng cậy trông nơi Đấng duy nhất có thể cứu con ông.
Chưa hết, nếu Chúa Giêsu không chậm trễ một chút bởi người đàn bà loạn huyết 12 năm được chữa lành trên đường Người đến nhà ông Giairô thì có thể Người đã đến nhà ông ngay trước khi người con gái của ông chết. Thế nhưng, vì Người có quyền cải tử hoàn sinh cho bất cứ một con người nào, như sau này Người đã làm cho Lazarô chết 4 ngày vẫn có thể hồi sinh (xem Gioan 11:43-44), mà Người đã không cần hấp tấp hối hả. Có lẽ vì việc chữa lành cho người đàn bà loạn huyết 12 năm này không hợp với chủ đề "sự sống" nên Giáo Hội không buộc phải đọc đoạn liên quan đến người đàn bà này.
Về những trường hợp người chết được Chúa Giêsu cải tử hoàn sinh, như trường hợp Lazarô đã chết mà Người bảo là đang ngủ (xem Gioan 11:11) thế nào thì trường hợp của người con gái ông Giairô này cũng thế, như Thánh ký Marcô thuật lại: "Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: 'Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó'".
Thật vậy, Chúa Giêsu đến trần gian này không phải chỉ để cứu vớt linh hồn người ta mà cả thân xác của họ nữa, nghĩa là Người cứu toàn thể bản tính của con người (bao gồm cả hồn lẫn xác), bằng chính nhân tính Người mặc lấy để có thể tử giá và phục sinh, nhờ đó, nơi Người, nhân tính của loài người đã bị hư đi bởi nguyên tội, được giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết.
Thế nên, đối với người và theo công cuộc cứu độ của Người thì con người chết đi chẳng khác gì như là một giấc ngủ để chờ ngày phục sinh từ trong cõi chết. Cái chết đáng sợ nhất, cái chết thật sự là chết, không còn bao giờ hồi sinh sống lại nữa, vĩnh viễn hư đi, không thể nào còn cứu được nữa đó là "cái chết lần thứ hai", như được Sách Khải Huyền nói tới (xem 2:11; 20:6,14; 21:8).
Theo dự án thần linh của mình, Thiên Chúa tạo dựng nên loài người là để cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài, được sống sự sống thần linh của Ngài và với Ngài muôn đời muôn kiếp, chứ không phải để đầy đọa họ, bởi thế, sau khi họ bị tiêm nhiễm nọc độc sự chết từ ma quỉ, Ngài chẳng những không trừng phạt họ như trừng phạt ma quỉ mà còn sai Con Một của Ngài xuống trần gian vô cùng thấp hèn và chịu chết vô cùng khốn khổ nhục nhã để giải cứu họ khỏi sự chết và tội lỗi cùng ban sự sống cho họ.
Sách Khôn Ngoan (1:13-15; 2:23-25) trong bài đọc 1 hôm nay đã cảm nhận, xác tín và tuyên xưng như thế: "Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian. Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó".
Thánh Phaolô Tông Đồ, ở bài đọc 2 hôm nay, qua Thư 2 gửi Giáo Đoàn Corinto (8:7,9,13-15), cũng đã căn cứ vào gương sống quảng đại của Chúa Kitô, "Vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên... cho chiên được sống và sống viên mãn" (Gioan 10:11,10): "mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có", để huấn dụ Kitô hữu ở đâysống bác ái yêu thương nhau được thể hiện bằng việc bù đắp tình trạng thiếu thốn của nhau: "Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em".
Trước tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người để cho họ được sống, và cho dù có đã chết đi cũng đã được Ngài cải tử hoàn sinh nơi Người Con của Ngài, mà loài người nói chung và những ai thuộc về Dân Chúa nói riêng cần phải có một tâm tình tri ân cảm mến chúc tụng Ngài, như Bài Thánh Vịnh 29 (2 và 4,5-6,11-12a và 13b) trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.